#116 | Thế quyền sau khi thanh toán tiền bảo hiểm

12/26/2023

Tình tiết sự kiện:

Giữa S (Bên mua bảo hiểm) và Công ty A (Bên bảo hiểm) có hợp đồng bảo hiểm cho thiết bị bếp của một dự án theo hợp đồng ủy thác mua hàng hóa giữa S và BT (đối tác của Bên mua bảo hiểm). Thực tế, hàng hóa được bảo hiểm bị thiệt hại và Bên bảo hiểm đã thanh toán cho Bên mua bảo hiểm. Sau khi thanh toán tiền bảo hiểm, Bên bảo hiểm quay sang yêu cầu đối tác của bên mua bảo hiểm (là BT) bồi thường. Hội đồng Trọng tài xác định Bên bảo hiểm được thế quyền của Bên mua bảo hiểm.

Bài học kinh nghiệm:

Trong thực tế, thường xuyên gặp trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, sau khi thanh toán tiền bảo hiểm (do sự kiện bảo hiểm đã xảy ra), thực hiện các quyền của bên mua bảo hiểm để yêu cầu bồi thường đối với người được cho rằng gây ra tổn thất. Ở đây, bên bảo hiểm thực hiện quyền yêu cầu của bên được bảo hiểm sau khi thực hiện trách nhiệm bảo hiểm và vụ việc trên thuộc trường hợp vừa nêu. Bởi lẽ, sau khi trả tiền bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm xuất phát từ việc hàng hóa bảo hiểm bị hư hỏng, bên bảo hiểm quay sang yêu cầu bên chịu trách nhiệm về hàng hóa bồi thường thiệt hại. Đây thực chất là việc thế quyền (chuyển quyền từ bên mua bảo hiểm sang bên bảo hiểm sau khi thực hiện trách nhiệm bảo hiểm) và được pháp luật công nhận.

Trong vụ việc trên, Hội đồng Trọng tài đã chấp nhận cho bên bảo hiểm thế vào quyền của Bên mua bảo hiểm. Cụ thể, “Căn cứ Điều 577 Bộ luật dân sự năm 2005” theo đó “Trong trường hợp người thứ ba có lỗi mà gây thiệt hại cho bên được bảo hiểm và bên bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả khoản tiền mà mình đã trả”, Hội đồng Trọng tài đã xét rằng “Nguyên đơn là bên bảo hiểm cho S theo hợp đồng bảo hiểm. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, Nguyên đơn đã thanh toán số tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm là S. Do đó, Nguyên đơn có quyền yêu cầu Bị đơn hoàn trả số tiền mà Nguyên đơn đã trả cho S (với điều kiện Nguyên đơn phải chứng minh BT có lỗi, gây thiệt hại cho S). Như vậy, căn cứ Điều 577 Bộ luật dân sự năm 2005, Nguyên đơn đã được S chuyển giao quyền yêu cầu Bị đơn thực hiện nghĩa vụ hoàn trả số tiền bảo hiểm mà Nguyên đơn đã trả cho S”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài khẳng định “Nguyên đơn đã được S chuyển giao quyền yêu cầu hoàn trả khoản tiền mà Nguyên đơn đã thanh toán cho S”.

Với nội dung trên, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng Bên bảo hiểm đương nhiên được thế quyền của Bên mua bảo hiểm và việc thế quyền này là trên cơ sở Điều 577 Bộ luật dân sự năm 2005. Nói cách khác, Hội đồng Trọng tài theo hướng đây là thế quyền tự động theo luật định và như vậy là phù hợp với Điều 577 Bộ luật dân sự năm 2005 nêu trên.

Đối với các hoàn cảnh tương tự như trên, hiện nay các bên có thể vận dụng cơ chế thế quyền theo thỏa thuận được quy định tại khoản 1 Điều 365 Bộ luật dân sự năm 2015 theo đó “Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận" hoặc khoản 1 Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm: "1. Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm". Do đó, các doanh nghiệp có hoàn cảnh như tình tiết nêu trên nên tận dụng cơ chế thế quyền theo thỏa thuận này để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Khi tiến hành chuyển giao quyền yêu cầu theo thỏa thuận, các bên phải lưu ý thêm nghĩa vụ cung cấp thông tin vì Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này” (Điều 365) và “1. Trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu và người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền. 2. Trường hợp bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với người chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình” (Điều 369).

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI